Cách ghi nhớ bảng chữ cái Katakana siêu tốc

 Cách ghi nhớ bảng chữ cái Katakana siêu tốc

1. Giới thiệu về bảng chữ cái Katakana

Khác với Hiragana với những đường nét mềm dẻo, uốn lượn, bảng chữ cái Katakana được tạo thành từ các nét thẳng, nét cong và nét gấp khúc.

Cách sử dụng bảng chữ cái Katakana:

Trong tiếng Nhật, Katakana thường được dùng để phiên âm những từ có nguồn gốc nước ngoài (Gairaigo). Vd: “television” (Tivi) được viết thành “テレビ” (terebi).

Tương tự, Katakana cũng được dùng để viết tên các quốc gia, tên người hay địa điểm nước ngoài. Ví dụ, “America” được viết thành “アメリカ” (Amerika).

Những từ ngữ trong khoa học – kỹ thuật, như tên loài động vật, thực vật hoặc tên các công ty cũng thường được viết bằng Katakana.

Dùng với các từ thuần Nhật thay cho Hiragana khi muốn nhấn mạnh, xuất hiện rất nhiều trên truyền hình, phương tiện truyền thông, quảng cáo.

Giống với bảng chữ cái Hiragana, bảng chữ Katakana cũng có 46 âm cơ bản, chia làm 5 cột, tương ứng với 5 nguyên âm. Bên cạnh đó, còn có các dạng biến thể của nó bao gồm: Âm đục, Âm ghép, Âm ngắt và Trường âm.

2. Cách học bảng chữ cái Katakana

Tương tự với cách học bảng chữ cái Hiragana trong 5 ngày mà ad từng chia sẻ với bạn, hãy chia nhỏ bảng chữ cái Katakana ra để học theo từng ngày. Vì bạn đã có nền tảng của bảng chữ mềm Hiragana nên việc học Katakana sẽ đơn giản hơn rất nhiều.

Bạn có thể tham khảo cách chia thời gian học như sau:

• Ngày 1 + 2: Học bảng chữ cái Katakana cơ bản

• Ngày 3: Học âm đục, âm bán đục, âm ngắt, âm ghép và trường âm

• Ngày 4: Luyện tập

2.1. Học 46 chữ cái Katakana cơ bản

Như cách học của 46 chữ mềm cơ bản, chúng ta cũng học từng hàng ngang theo các bước sau:

• Bước 1: Ghi nhớ mặt chữ bằng cách liên tưởng hình dáng chữ cái thành các sự vật xung quanh mình.

Tuy nhiên, khi học bảng chữ cứng Katakana, bạn sẽ nhận ra có khá nhiều chữ cái nhìn “na ná” nhau. Để dễ dàng tìm ra điểm khác biệt, chúng ta cùng xem xét chúng theo từng cặp nhé!

+Chữ ku ク có hai nét, còn chữ ke  ケ có 3 nét

+Chữ shi シ là hình mặt cười, còn chữ tsu ツ là hình mặt méo nhé. Khi viết, shi シ có nét móc từ dưới lên và 3 điểm bắt đầu sẽ tạo thành hàng dọc. Còn tsu ツ có nét móc từ trên xuống và 3 điểm bắt đầu sẽ tạo thành hàng ngang.

+Chữ so ソ có nét móc từ trên xuống và 2 điểm bắt đầu sẽ tạo thành hàng ngang. Chữ n ン có nét móc từ dưới lên và 2 điểm bắt đầu sẽ tạo thành hàng dọc.

• Bước 2: Kết hợp vừa nhìn chữ cái, vừa nghe audio phát âm của chữ và nhại lại theo.

• Bước 3: Chỉ tay vào chữ cái và tự đọc to. Ghi âm lại phần mình đọc và so sánh với bản audio để kiểm tra cách phát âm.

• Bước 4: Tập viết từng chữ cái đúng thứ tự các nét.

• Bước 5: Ôn tập lại thường xuyên bằng Flashcard.

2.2. Học âm đục, âm bán đục, âm ngắt, âm ghép và trường âm

Các quy tắc âm đục, âm bán đục, âm ngắt và âm ghép trong bảng chữ cái Katakana giống với bảng chữ cái Hiragana, chỉ khác nhau mặt chữ. Cụ thể:

      • Âm đục, âm bán đục: Kí hiệu bằng cách thêm dấu “ (tenten) và ○ (maru).

        Vd: ガ (ga)  ジ  (ji)  ポ (po)

      • Âm ngắt: Chữ ツ được viết nhỏ lại thành ッ.

        Vd: チケット (chiketto)  ロマンチック (romanchikku)

      • Âm ghép: Các chữ cái thuộc cột I (trừ い) đi kèm với các chữ ヤ ユ ヨ  được viết nhỏ lại.

        Vd: シャ  (sha) ピュ  (pyu)

      • Tuy nhiên, đối với quy tắc trường âm thì có sự khác biệt. Trường âm được biểu thị bằng dấu gạch ngang ー khi viết, và được phát âm kéo dài 2 âm tiết.

 Vd: Thử phát âm các từ sau cùng mình nhé!

スーパー (suupaa): Siêu thị

コンピューター (konpyuutaa): Máy tính

Chúc mừng bạn đã vượt qua giai đoạn đầu tiên trên con đường chinh phục tiếng Nhật.





Nguồn:St