NẾU KHÔNG HỌC CÚI ĐẦU, BẠN SẼ KHÔNG BAO GIỜ NGẨNG ĐẦU LÊN ĐƯỢC
-------------------
Độ trưởng thành của con người không được đong đếm bằng tuổi tác, mà được tạo ra bởi sự chu đáo và biết nhẫn nhịn đúng lúc. Nhẫn nhịn là cúi đầu nhưng thực chất là nâng cao tầm vóc bản thân. Người dù có thông minh đến đâu thì cũng cần phải học lấy chữ "nhẫn".
1- "Nhẫn" là một dạng trí tuệ
Triết gia người Đức Friedrich Nietzsche từng nói: "Nếu bạn nhìn quá lâu vào vực thẳm thì vực thẳm cũng sẽ nhìn chằm chằm vào bạn."
Năm ấy, ở Côn Minh (Trung Quốc) đã xảy ra một vụ án giết người rúng động. Lưu Khiết (28 tuổi) cùng với chồng sắp cưới đi đến bệnh viện thăm bà ngoại. Trên đường đi, họ có xảy ra va chạm với một người say rượu.
Gã say rượu kia không nói một lời nào, bất ngờ rút dao ra đâm nhiều nhát vào người Lưu Khiết.
Sau khi Lưu Khiết gục xuống, tên sát nhân vẫn còn điên cuồng đuổi theo truy sát người chồng sắp cưới của cô. Trong lúc chạy trốn, người kia bị y đâm trúng ba nhát vào chân. Nhưng thật may là cảnh sát đã kịp thời đến hiện trường và khống chế kẻ giết người cuồng loạn.
Màn thảm kịch kinh hoàng này mới chấm dứt nhưng hậu quả để lại thì quá lớn. Cô gái trẻ Lưu Khiết đã tử vong. Mới chỉ vài phút trước thôi, hai người yêu nhau vẫn còn nói nói cười cười, bây giờ đã âm dương cách biệt. Tất cả chỉ vì tranh cãi với một tên "rác rưởi".
Chúng ta nói chuyện công lý với chúng, còn chúng thì chỉ coi như gió thoảng qua tai. Vì vậy, tại sao ta không thể nhẫn nhịn, nhường cho kẻ đó một bước? Thà rằng để con chó điên chạy trước còn hơn là để nó cắn. Vỏ quýt dày ắt có móng tay nhọn, ta không nên đi quá sâu vào chuyện này.
Có người hỏi: Chàng trai cùng cô bạn gái xinh đẹp đi dùng bữa thì bị bọn lưu manh bàn kế bên trêu ghẹo. Cậu ta đánh cũng không nổi mà tức giận cũng không xong. Vậy phải làm sao bây giờ? Thực ra, giải pháp tốt nhất ở đây nằm chính trong chữ "nhẫn". Cậu ta nên chăm chỉ kiếm tiền rồi đưa bạn gái đến những nhà hàng cao cấp hơn.
Có những người không khác gì một cái xe chở rác chứa đầy những loại rác rưởi bẩn thỉu. Họ là những quả bom hẹn giờ của xã hội, chỉ cần gặp trục trặc là sẽ lập tức phát nổ.
Lúc họ gây sự với bạn, việc làm dũng cảm nhất không phải là nói chuyện đúng sai với họ mà chính là biết hạ thấp cái tôi cá nhân và bỏ đi cho qua chuyện. Vì trên thế giới này, loại người nào cũng có, không nên đem bản thân ra mạo hiểm. Tranh luận với người không hiểu chuyện giống như bạn đang lấy tội lỗi của người đó để trừng phạt bản thân.
Có người coi nhẫn nhịn là hèn nhát nên nhất quyết không bao giờ chịu nhún nhường. Sau cùng, họ không chỉ làm tổn thương người khác mà còn khiến bản than cảm thấy nặng nề. Vì ganh đua đâu phải luôn là mạnh mẽ, nhẫn nhịn chắc gì là chịu thua toàn diện.
Người biết cúi đầu mà nhẫn nhịn chưa chắc đã là một kẻ hèn. Nhẫn một lúc, lùi một bước, mọi sự đều hoan hỉ.
2- "Nhẫn" là lối mòn dẫn đến thành công
"Kẻ muốn thành đại sự cần phải làm những thứ mà người khác không thể. Người làm nên việc lớn, phải biết nhẫn những thứ mà người khác không thể nhẫn."
Năm ấy, Trương Quốc Lập chỉ là một diễn viên chưa có tên tuổi. Ông đi quay phim vào buổi đêm tại một ngôi làng ven núi. Những thanh âm ồn ào của đoàn làm phim làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của dân làng. Mọi người đều ùa ra bao vây phim trường, không cho đoàn làm việc nữa. Các nhân viên của đoàn làm phim đã phải ra nói chuyện hòa giải với dân làng nhưng vẫn không có kết quả gì.
Tình trạng này nếu để lâu sẽ làm gián đoạn việc quay phim một cách nghiêm trọng. Vì vậy, Trương Quốc Lập chợt đứng ra và quỳ xuống trước ánh mắt ngạc nhiên của dân làng. Ông quỳ xuống và nói: "Các vị hương thân, thật xin lỗi vì đã làm phiền mọi người trong đêm tối. Công việc của chúng tôi sắp hoàn thành rồi mong mọi người hiểu cho và để chúng tôi quay nốt". Nói xong, ông còn cúi đầu lạy dân làng.
Những người nông dân chân chất ở đây vốn chưa từng được ai cúi đầu dập lạy như vậy. Cho nên họ cảm thấy ngượng ngùng và nhanh chóng tản ra ai về nhà nấy để đoàn phim tiếp tục công việc.
Nhờ cái cúi đầu hôm ấy của Trương Quốc Lập, bộ phim Khang Hi vi hành mới có thể hoàn tất đúng tiến độ. Vai diễn hoàng đế Khang Hi của ông đã giành giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Truyền hình TQ Kim Ưng năm 1996, đưa ông nối tiếng khắp trong và ngoài nước.
Một người trở nên vĩ đại bắt đầu từ lúc họ biết vì công việc chung mà hạ thấp cái tôi cá nhân của mình. Họ có nhiều dũng khí để "nhẫn" thì vận may đến với họ càng nhiều hơn.
Trong lịch sử, có biết bao vị anh hùng đã phải nằm gai nếm mật, chịu đựng khổ cực để đợi đến ngày vinh quang. Họ lấy chữ "nhẫn" mà buông bỏ đi cái tôi cá nhân để nghĩ đến đại cục. Chữ "nhẫn" ấy của họ là nhẫn nhịn chứ không phải nhẫn nhục.
Con người luôn gặp phải những chuyện không như mong muốn, nhưng cần biết nhẫn nhịn đúng lúc thì mới gặt hái được thành công. Nhẫn nhịn để có thể nhìn xa hơn, để sau này có thể hiên ngang ngẩng cao đầu.
3 - "Nhẫn" là một cách tu dưỡng tâm hồn
Người thông minh là biết nhẫn nhịn chờ thời cơ khi mình đang thất thế.
Tô Thức (nhà sáng tác từ nổi tiếng thời Tống) bị đày đến Hoàng Châu. Vào một ngày nọ, ông đang đi dạo trên đường, thì bất cẩn va phải một tên say rượu. Tên say xỉn kia đã ăn cắp lại còn la làng, mắng cho Tô Thức một trận. Tô Thức tuyệt nhiên không nói một lời chỉ phủi tay cho qua chuyện.
Nhẫn nhịn chính là một kiểu tu dưỡng. Khi gặp chuyện không may, bản thân có thể hiểu ra mà lui bước, không cần phải xung đột với người khác. Vì ta biết chỉ có lòng từ bi mới là phương pháp hóa giải tất cả, sau khi đã trải qua nhiều chuyện.
Chúng ta vẫn luôn ganh đua với người đời, mà không biết họ vốn chẳng liên quan gì đến thế giới của ta. Bình yên là cho dù có trải qua giông bão, quay đầu nhìn lại, bạn vẫn cứ là chính mình.
Người biết suy nghĩ sẽ không vội vàng tranh luận với người khác. Đôi lúc, việc nhường người khác một bước chính là một cách rèn luyện cho tâm hồn. Chúng ta lựa chọn sự khiêm nhường vì ta không ích kỉ, chỉ biết suy nghĩ cho bản thân. Chúng ta không cần phải chấp nhặt những chuyện đó vì ta đã đứng ở vị trí đủ cao để mà buông bỏ.
Chúng ta muốn có cuộc sống nhẹ nhàng thì phải biết có những chuyện không cần phải tính toán. Chẳng hạn, đối với những chuyện không đi quá giới hạn hay nguyên tắc của bản thân, bạn cũng nên học cách "nhẫn" mà buông bỏ.
Nhẫn nhịn và khiêm nhường không chỉ là lương thiện hay trí tuệ mà còn là sự tôn trọng đối với một con người, là cách tu dưỡng tâm hồn tốt nhất.
Theo Báo Dân Sinh
#TonyDzung
#Lamchutuduy